Dự án nhà ở xã hội là một trong những phân khúc được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường địa ốc 2023.

 Dự án nhà ở xã hội là một trong những phân khúc được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường địa ốc 2023. Dù thanh khoản toàn thị trường bất động sản gặp khó, dù người mua nhà giảm chú ý đến đất nền, đất thổ cư, chung cư cao cấp nhưng nhà ở xã hội, nhà bình dân cho người thu nhập thấp vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được phê duyệt. Hiện đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Theo đó, ước tính sơ bộ nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.

Hơn 15 năm thuê trọ ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), anh Hoàng Minh Hào (39 tuổi) chia sẻ hoàn cảnh, một mình anh đi làm và gửi phần lớn tiền lương cho vợ ở quê Nam Định nuôi con nhỏ. Anh cũng cho biết, có tiết kiệm được khoản tiền gần 1 tỷ đồng, nhưng số tiền này không thể mua được nhà ở Hà Nội. “Tôi cũng có tìm hiểu các dự án nhà ở dành cho người thu nhập trung bình, nhà ở xã hội nhưng rất khó tiếp cận” – anh Hào nói.

May mắn hơn anh Hoàng Minh Hào, vợ chồng chị Trần Mỹ Phương (Hưng Yên) đã mua được căn nhà ở xã hội (Rice City Thượng Thanh – Long Biên – Hà Nội) song thời gian trả góp vẫn còn hơn 10 năm nữa. Chị Phương cho rằng, rất nhiều người quen của chị có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhưng chưa may mắn tiếp cận được.

Không chỉ ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… nhiều gia đình là công nhân tại các khu công nghiệp cho biết, mong muốn có được căn nhà nhỏ để yên tâm làm việc.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), một nghịch lý hiện nay của thị trường bất động sản tại thành phố là nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội dành cho người lao động thu nhập thấp luôn trong tình trạng khan hiếm, trong khi các dự án bất động sản cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển… lại dư thừa.

Thống kê của HoREA cho thấy, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TPHCM trong năm 2020 chỉ chiếm 1%; từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại gần như “tuyệt chủng” căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, còn các dự án nhà ở với mức giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2 cũng chỉ có một số ít tại những khu vực xa trung tâm thành phố. Việc này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở của TP Hồ Chí Minh cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Thời gian gần đây, các địa phương cũng quyết tâm dồn lực để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại vừa túi tiền. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản như Hưng Thịnh, Vingroup, Sun Group, Him Lam,... cũng hưởng ứng và tham gia làm nhà ở dành cho người thu nhập thấp.

Động lực chính khiến nhiều chủ đầu tư trở lại phân khúc nhà ở này là khả năng tiếp cận nguồn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương siết lại tín dụng đối với các phân khúc cao cấp vì phát triển quá nóng thời gian qua, nhưng những dự án hướng đến nhu cầu thực vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng hay gói hỗ trợ lãi suất thấp. Nhà ở xã hội có thể là kênh để nhiều chủ đầu tư duy trì được dòng tiền trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chưa kể, nhu cầu nhà giá bình dân dành cho người thu nhập thấp luôn cao.

Để phát triển được nhà ở xã hội, nhà giá bình dân cho người thu nhập thấp ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cần hợp lực. Trong đó, vướng mắc về pháp lý, lãi suất và dòng vốn… phải tháo gỡ sớm.

Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét